Hút dịch mũi bằng dụng cụ hút dạng quả bóp cao su, dụng cụ hút mũi, máy xông hơi, vỗ lưng… là những cách hỗ trợ trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ dễ chịu hơn.

Bạn đang xem: Cách làm hết nghẹt mũi ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Trẻ sơ sinh dễ bị nghẹt mũi hơn trẻ lớn hoặc người trưởng thành vì đường mũi còn nhỏ và cần thời gian để phát triển. Hầu hết các trường hợp nghẹt mũi nhẹ là do nhiễm vi trùng, tiếp xúc với không khí khô, chất kích ứng như khói bụi, khói thuốc lá hay dầu thơm.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, khi trẻ nghẹt mũi kèm theo các dấu hiệu khác như: sốt, da tím tái, thở rút lõm ngực, ho đàm, quấy khóc vô cớ, li bì, bỏ bú…, ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách.


Nội dung bài viết

Top 4 cách trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh

Top 4 cách trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh

Các trường hợp sau khi được bác sĩ đánh giá trẻ sơ sinh nghẹt mũi nhẹ, nếu bác sĩ có chỉ định vệ sinh mũi hỗ trợ, phụ huynh có thể xử trí tại nhà như sau.

1. Hút dịch mũi

Nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý vào một lỗ mũi (thường từ 1 – 3 giọt đối với trẻ sơ sinh), có thể đợi 10 – 30 giây để loãng dịch mũi. Khi tiến hành hút dịch, bịt một lỗ mũi còn lại và dùng dụng cụ hút mũi (có thể là dạng quả bóp cao su hoặc dụng cụ hút mũi 2 dây…) để hút chất nhầy ở lỗ mũi đã được làm ướt. Tiếp tục thực hiện với lỗ mũi còn lại. Nên có thời gian nghỉ giữa 2 bên. Phụ huynh nên hút mũi cho bé trước bữa bú, có thể thực hiện vài lần trong ngày. Không nên tiến hành khi trẻ không tỉnh táo như gần giờ ngủ của trẻ.


*

Ba mẹ cần vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách, theo hướng dẫn của bác sĩ.


Cách dùng dụng cụ hút mũi dạng quả bóp cao su:

Bóp quả bóng cao su tròn trước khi nhẹ nhàng đặt đầu hút vào sát lỗ mũi của bé. Lưu ý, ba mẹ không cần tì lên quá mạnh, vừa đủ khít là được. Sau đó, giảm lực bóp (nhả bóng) ra từ từ để hút dịch mũi ra ngoài. Lập lại thao tác như thế đối với bên mũi còn lại. Rửa sạch dụng cụ bằng xà phòng sau mỗi lần sử dụng.

Cách dùng dụng cụ hút mũi dạng dụng cụ hút mũi 2 dây:

Trước khi sử dụng lần đầu tiên, ba mẹ nên rửa tráng lòng dụng cụ bằng nước nóng và phơi khô kỹ. Cho bé nằm ngửa với đầu bé nghiêng qua bên phải. Nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mũi trẻ. Đặt đầu mềm của dây hút vào mũi của bé, sau đó ba hoặc mẹ hít vào bằng miệng qua đầu dây còn lại để hút dịch nhầy trong mũi bé ra. Dịch mũi sẽ được dẫn xuống bình chứa và không thể đi vào dây hút đang được ba/mẹ hút. Lặp lại các thao tác trên đối với mũi còn lại. Cuối cùng bế bé lên và cho bé hơi ngả về trước để dịch nhầy còn lại chảy ra ngoài, ba mẹ có thể dùng gòn hoặc khăn mềm thấm nước muối sinh lý để lau nhẹ dịch nhầy chảy ra vùng phía trước mũi bé.

Xem thêm: Bí Mật Hậu Trường Phim Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, Chân Hoàn Truyện

2. Lấy gỉ mũi

Để xử lý gỉ mũi, phụ huynh cần làm mềm chúng trước khi lấy ra khỏi mũi của bé. Lấy gỉ mũi khô dễ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu khiến bé bị đau.

Hãy làm ướt một miếng gạc bông với nước ấm và nhẹ nhàng lau khu vực có gỉ mũi. Hoặc ba mẹ có thể nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi để làm mềm gỉ, đợi 30-60 giây trước khi tiến hành hút dịch. Nếu gỉ mũi nằm gần phía lỗ mũi, có thể dùng bông tăm đầu nhỏ nhẹ nhàng khều gỉ mũi ra ngoài sau khi đã làm mềm bằng nước muối sinh lý.

3. Dùng máy xông hơi

Đặt máy phun sương làm mát hoặc máy tạo độ ẩm trong phòng của bé để làm ẩm không khí. Trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi mũi ẩm và không còn khô rát.

Phụ huynh cần thay nước và vệ sinh máy thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn, nấm mốc. Lưu ý, không nên xông tinh dầu cho trẻ sơ sinh vì tinh dầu có thể gây kích ứng đường hô hấp.

4. Vỗ nhẹ vào lưng

Vỗ nhẹ vào lưng có thể làm long đờm, giảm cảm giác tức ngực, khó thở cho trẻ sơ sinh.

Ba hoặc mẹ có thể đặt bé nằm sấp trên đầu gối của mình, một tay giữ, một tay nhẹ nhàng vỗ vào lưng bé. Hoặc ba mẹ cho bé ngồi trên đùi mình, một tay ôm sao cho người bé ngả về phía trước khoảng 30 độ, tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng bé. Đây là cách làm long đờm trong đường thở, giúp trẻ dễ chịu hơn.

Ngoài ra, trong khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, phụ huynh nên giữ ấm cho bé, tránh ra ngoài gió lạnh, cần kiểm tra máy lạnh trong phòng đã mở nhiệt độ vừa phải hay chưa. Nhiệt độ phòng thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh là từ 26-28 độ C. Phụ huynh cũng cần kiểm tra xem liệu bé có khả năng dị ứng với chất hóa học như bột giặt, nước xả vải, phấn hoa, phấn rôm, lông động vật… hay bất cứ thành phần nào nghi ngờ có trong nhà hay không. Các chất dị ứng gây viêm mũi là “thủ phạm” dẫn đến nghẹt mũi phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Nguồn thức ăn của mẹ cũng có thể gây dị ứng dẫn đến tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, mẹ nên chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nhưng không ăn luông tuồng, đặc biệt là các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng ong… Hãy ngừng ăn các thực phẩm mà mẹ bị dị ứng, vì khả năng cao nó cũng có thể gây dị ứng cho bé thông qua nguồn sữa mẹ.

Bác sĩ Nguyên khuyên, khi thấy trẻ sơ sinh có biểu hiện nghẹt mũi như thở bằng miệng, môi khô, ngủ giật mình, quấy khóc… ba mẹ cần kiểm tra mũi và đường thở cho bé ngay. Nếu trị nghẹt mũi tại nhà, ba mẹ chỉ nên sử dụng dung dịch nước muối sinh lý, không nên dùng các loại thuốc kháng histamin cũng như các loại thuốc xịt mũi có thành phần thuốc khác. Việc vệ sinh mũi chỉ đóng vai trò hỗ trợ sau khi bé được thăm khám và điều trị theo đúng nguyên nhân. Với trẻ sơ sinh, phản xạ bảo vệ đường thở chưa thật sự hoàn thiện, niêm mạc mũi và đường hô hấp của bé cũng rất mỏng và nhạy cảm. Do đó, ba mẹ chỉ thực hiện việc vệ sinh mũi khi có chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng việc rửa mũi quá mức hay làm không đúng cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.


HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội TP.HCM: 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh